Luyện rèn Thân và Tâm

Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi"; Là tâm niệm vốn dĩ khoác lên hình ảnh của một người thành công, thành danh với chuỗi hành trình chuyên tâm luyện rèn bản thân, bao hàm sự trau dồi thuật võ (Võ Thuật), y thuật (Võ Y), đức hạnh (Võ Đức), trí hạnh (Võ Trí), dũng hạnh (Võ Dũng)

Ngày đăng: 09-04-2021

475 lượt xem

Luyện rèn Thân và Tâm

 I. Dẫn Nhập

"Biển học không bờ, lấy chuyên cần làm bến;
Mây xanh không lối, dụng chí cả làm thang".

Võ thuật là kỹ thuật lấy thân thể làm võ khí. Vì thế nên người ta học tập, vận dụng võ thuật, trước hết phải liễu giải thân thể mình, như thế thời trong khi thực chiến mới có thể làm cho đầu não thanh tỉnh, phát chiêu trúng đích.

Sự thành công trong luyện tập võ thuật luôn đồng hành với người có ý chí, có sáng tạo và có phương pháp đúng - phù hợp với bản thân mình. Sự khổ luyện và thành đạt dù chỉ đối với một lãnh vực công phu nào đi nữa, cũng sẽ đưa họ đến nấc thang tuyệt kỹ.
 
II. Yếu Lý Của Võ Học

Cùng là tri kỷ thâm giao, cùng trải thân nghiệp võ, lão võ sư Trần Tiến cũng như cố lão võ sư Trần Văn Nghĩa (Quyền sư - Quyền vương Bắc Việt, Chưởng môn võ phái Nội Gia Quyền - 298 Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) vẫn thường khuyến nhủ các môn đồ 03 điều cơ bản:

1. Cốt yếu, võ thuật là một nghệ thuật dung hòa giữa sự sống bản thân với môi trường thiên nhiên, với vũ trụ; Người luyện công học võ phải chiến thắng chính bản thân mình, phải thấu triệt những quy luật bất biến của nhân sinh, của vũ trụ muôn loài mà tạo hóa đã sinh ra ..., phải am tường sự vận hành-chi phối của các quy luật : “ÂM, DƯƠNG”, “NGŨ HÀNH”, “TAM TÀI”, "NHÂN QUẢ", "SINH HỌC"...

2. Phải thấm nhuần cái đích hằng luyện là luyện thân và rèn tâm của mình để tạo cho mình có sức khỏe tốt, chí ít là tự vệ bản thân, tự tin, trí tuệ sáng, phân biệt rõ "cái đúng, cái sai", am hiểu đấu pháp, chiến thuật khoa học, phát huy tinh thần thượng võ, “Kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân” (Những gì mà mình không ưa muốn thì đừng gieo cho người khác), làm lợi chính đáng cho bản thân và nhân quần-xã hội.

3. “Minh Trí” của người có công phu luyện tập tới nơi tới chốn là đạt được cảnh giới tâm linh thông tuệ-sáng suốt, thấu triệt pháp dưỡng sinh, có thể dùng ÂM KÌNH hoặc DƯƠNG KÌNH để điều khiển cả lục phủ, ngũ tạng, kiểm soát kỳ kinh bát mạch, từ đó sẽ tránh được tật bệnh và có thể tri ngộ vô thường, khổ, vô ngã thông qua việc tu sửa thân tâm dần bớt THAM, SÂN, SI (Tam độc trong lời dạy của Phật Bổn Sư Thích Ca), đạt liễu thoát "SINH, LÃO, BỆNH, TỬ".

"Thiện nhân ắt đạt thiện quả; Ác nhân ắt đắc ác báo"

"Quý hồ tinh, bất quý hồ đa"; Đây cũng là con đường Đức hạnh trong võ Đạo và cũng là hoài niệm của bao vị Lão võ sư tiền bối nhằm vun bồi, dựng xây con đường VÕ THUẬT ĐẠO của dân tộc Việt Nam.
 Võ học có câu:

“Văn nhân huy bút, bình thiên hạ
Võ tướng đề đao, cổ thái bình”

“Hữu văn vô võ, văn vô dụng
Hữu võ vô văn, võ bạo tàn”.

Sự Thành Công Mỹ Mãn Trong Đời Của Người Luyện Võ Là Thắng Được Chính Bản Thân Mình. Điều Này Đồng Nghĩa Với Việc Thắng Được Bản Ngã Của Chính Mình Vậy!

Học người xưa cách đối diện với thị phi trong cuộc sống

Thật khó để tìm ra cách ứng xử khi phải đối mặt với những thị phi trong cuộc sống. Nhưng trong mọi trường hợp, im lặng luôn là giải pháp tối ưu, bởi cuộc sống còn nhiều thứ để quan tâm hơn là mang trong mình sự ấm ức và bực bội chỉ vì người khác không hiểu đúng về mình.

Dưới đây là 2 câu chuyện nói về cách mà người thời xưa đối diện với những thị phi.

Câu chuyện thứ nhất:

Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:

– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?

Hứa Kính Tôn trả lời:

– Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.

Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.

Câu chuyện thứ hai:

Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:

– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

Trong kinh Phật viết rằng, khi người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rời xuống ngay mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Thế nên từ nay về sau nếu có nghe thấy ai đó nói lời không tốt về mình, chớ có thọ nhận thì sẽ được an vui.

Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành nhưng vết thương gây ra bởi lời nói thì chẳng biết ngày nào mới lành lại được.

Vì vậy hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ bởi: “Every saint has a past, every sinner has a future”, nghĩa là “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.

From: Mai Quốc Vĩnh

Mai Quốc Vĩnh
(Thiên Long Đường)
Hotline/Zalo: 0916286199 - 0931236199
Email: order365day@gmail.com
Website: www.maiquocvinh.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha