Đả lục huyệt tăng trường sinh

Bài tập Võ cổ truyền dưỡng sinh có tên “Đả lục huyệt tăng trường sinh”. Bài tập đơn giản nhưng sau thời gian nghiên cứu và tập luyện, tôi nghiệm có hiệu quả. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Quý vị tìm hiệu hoặc đăng ký học vui lòng liên hệ với Khí công sư: Mai Quốc Vĩnh - Thiên Long Đường ở tỉnh Bình Dương

Ngày đăng: 15-04-2021

723 lượt xem

Đả lục huyệt tăng trường sinh

“Đả lục huyệt tăng trường sinh” có nghĩa là tác động (vỗ) vào 6 huyệt đạo trên cơ thể giúp tăng thêm tuổi thọ.

Bài tập Võ cổ truyền dưỡng sinh có tên “Đả lục huyệt tăng trường sinh”. Bài tập đơn giản nhưng sau thời gian nghiên cứu và tập luyện, tôi nghiệm có hiệu quả. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Sáu huyệt đạo theo thứ tự đó là:

Huyệt Đại Chùy.
- Huyệt Đại chùy nằm ngay chỗ lõm phía dưới đốt sống cổ số 7 (đốt sống cổ to nhất mà chúng ta có thể quan sát thực bằng mắt, trông như quả chùy), là huyệt quan trọng trong Đông y, chữa các chứng cổ gáy đau cứng, cơ thể mệt mỏi, các chứng phong hàn. Huyệt Đại chùy giao nhau với kinh Đảm nên còn chữa các chứng đờm dãi nhiều, phế quản tiết ứ dịch, tăng cường sức đề kháng, miễn dịch cho cơ thể.
Trong khí công y võ, huyệt này là điểm mấu chốt mà nhiều vòng vận khí đi qua.

Huyệt Đản Trung.
- Huyệt Đản trung nằm ngay tại giao điểm của đường thẳng nối hai núm vú với đường thẳng chạy dọc giữa ngực. Huyệt Đản trung còn gọi là huyệt Chiên trung, huyệt Thiện trung. Đông y châm cứu, mát-xa huyệt Đản trung để chữa các chứng như hô hấp khó khăn do sung huyết đầu, ho kéo dài, nhịp tim nhanh, hen suyễn, đau dây thần kinh liên sườn, viêm phế quản mãn tính, đau bầu vú, thiếu hoặc tắt sữa. Đặc biệt mát-xa huyệt Đản trung cực kỳ hiệu quả khi áp dụng cho những người mắc chứng thần kinh như trầm uất, nóng nảy, lo lắng, run sợ, nôn nao hay buồn bã.

Huyệt Thận Du.
- Huyệt Thận du nằm dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 1, 5 thốn, ngang huyệt Mệnh môn. Chủ ích thủy, tráng hỏa, điều thận khí, kiện cân cốt, minh mục, thông nhĩ, trị viêm thận, tiểu dầm, thắt lưng đau, điếc, tai ù, tiêu chảy mạn tính, kinh nguyệt rối loạn, liệt dương, di mộng tinh.

Huyệt Bách Hội.
- Huyệt Bách hội nằm ở điểm lõm ngay trên đỉnh đầu của con người. Bách hội nằm tại điểm giao của đường nối hai đỉnh vành tai với đường dọc cơ thể.

Nguồn gốc của tên Bách hội xuất phát từ “bách” có nghĩa là một trăm ý nói nhiều về số lượng; “hội” có nghĩa là nơi tụ hội của tất cả các kinh dương. Trên thực tế, vị trí của huyệt còn là nơi tụ hội của tất cả các kinh dương, của ngũ tạng, lục phủ. Ngoài ra, người ta cho rằng huyệt được đặt tên như vậy bởi vì có nhiều dấu hiệu vượt trội so với huyệt túc tam lý và đây là huyệt đáng chú ý.

Bách hội nằm ngay trên phần giữa của thất khiếu, huyệt có hiệu quả đối với rối loạn mạch máu não, tê liệt một nửa là di chứng của động mạch não và rối loạn lời nói. Nó cũng có tác dụng với các triệu chứng tiểu dầm và trĩ, của các rối loạn thần kinh và tâm thần như động kinh, mất cân bằng tự trị và mất ngủ.

Trong y học cổ truyền phương Đông thì Bách hội được dùng để bấm chữa các chứng: đỉnh đầu nhức, trực tràng sa, mũi nghẹt, đầu nặng, hay quên, điên cuồng, hôn mê, lạnh người, tai ù, mắt hoa, hồi hộp, mất ngủ.

Trong dưỡng sinh, người ta ví Bách hội như điểm giao nhau của trăm vạn con sông kinh mạch trong cơ thể. Cùng với Hội âm nó có ý nghĩa lớn trong trạng thái giao hòa giữa cơ thể con người với trời đất. Trong các thế ngồi thiền kiết già, người ta quan niệm phải có 5 huyệt vị mở lên khai thông, đó là 2 huyệt Lao cung, 2 huyệt Dũng tuyền và huyệt Bách hội.

Trong võ thuật phương Đông thì Bách hội chính là một trong các đại huyệt quan trọng, bị điểm vào đây có thể gây tử thương.

Huyệt Lao Cung.
- Huyệt Lao cung ở giữa lòng bàn tay, trên đường văn tim của gan tay, trên động mạch, gấp ngón tay giữa vào mà lấy huyệt. Bấm huyệt Lao cung trị run bàn tay, ra mồ hôi tay, đau vùng tim tâm phiền, khát, tim đập hồi hộp, sốt về đêm.

Huyệt Dũng Tuyền.
- Khi co bàn chân và các ngón chân lại, chỗ hõm xuất hiện ngay ở 1/3 trước gan bàn chân chính là vị trí của huyệt Dũng tuyền. Hoặc có thể xác định ở điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân ngón chỏ và điểm giữa bờ sau gót chân trong chỗ lõm ở gan bàn chân. Do ở vị trí khá quan trọng nên huyệt dũng tuyền cũng đóng một phần không nhỏ trong việc di chuyển.

Theo các chuyên gia Đông y, khi tác dụng đơn độc lên huyệt Dũng tuyền bằng nhiều phương thức khác nhau có tác dụng trị chứng ho kéo dài, viêm phế quản mạn tính, ho ra máu… Vì vậy, khi kích thích thường xuyên và đúng cách vào huyệt dũng tuyền sẽ mang lại ý nghĩa to lớn đối với sức khỏe, đặc biệt là trị ho dứt điểm.

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống xuất những vật lạ, có thể là chất dịch nhầy hoặc là vi khuẩn đang khu trú trên đường thở. Đây là dấu hiệu rất hay thường gặp ở các chứng cảm cúm thông thường do nhiễm trùng đường hô hấp.

Trong Y học dân gian, để điều trị triệu chứng ho thường xuyên như vậy chủ yếu là làm ấm vùng bàn chân bằng cách xoa dầu nóng vào gót bàn chân và mang vớ vào trước khi đi ngủ.

Nhưng hiện nay, mọi người thường sử dụng huyệt Dũng tuyền trị dứt cơn ho thường xảy ra vào đêm hoặc gần sáng, thời tiết lạnh, gây khó ngủ, mệt mỏi, mất sức.

Sau khi xác định được vị trí huyệt dũng tuyền mọi người dùng 2 bàn tay ma xát vào nhau cho nóng lên, đồng thời day ấn huyệt cả hai bên trong 2 phút với một lực tương đối mạnh, sao cho đạt cảm giác tê tức lan sâu vào bên trong gan bàn chân. Hoặc cũng có thể dùng các vật cứng như đầu đũa, cán bút… để day ấn hoặc đặt chân (vị trí huyệt) lên viên sỏi hay các vật tương tự để kích thích. Thực hiện cách này liên tục từ 3 – 5 ngày và có nhiều trường hợp sẽ thấy hiệu quả ngay tức thì.

Phương Pháp Luyện Tập (theo hướng dẫn của Võ sư Trương Văn Phận, người tập có thể đứng tại chỗ hoặc vừa di chuyển vừa tập):

- Đứng thẳng. Lập tấn. – Chân trái bước sang trái thành Bát tự tấn (Tấn tự nhiên), hai chân bằng vai, hai mũi bàn chân mở ra một góc 30 độ.
- Hai bàn tay sắp lại nâng cao lên vòng qua đầu vỗ vào huyệt Đại chùy. - Hai bàn tay sắp lại đưa ra trước rồi vỗ vào huyệt Đản trung.
- Hai bàn tay trái, phải hơi co lại, cùng lúc vỗ vào huyệt Thận du.
- Hai bàn tay trái trên, phải dưới cùng lúc vỗ xuống vào huyệt Bách hội.
- Hai bàn tay trái, phải hơi co lại, cùng lúc đánh vào huyệt Lao cung. – Hai bàn chân trái, phải lần lượt dậm xuống đất kích thích huyệt Dũng tuyền.

Số lượng lần “đả” (tác động, vỗ) lên 6 huyệt tùy theo người tập nhưng số lần tốt nhất là 8 lần. Kết thúc bài tập, trở về Lập tấn.

Trân trọng!
From: Mai Quốc Vĩnh

Liên hệ: Thầy Mai Quốc Vĩnh
Đông y sĩ - Đông dược sĩ - Khí công sư
(Thiên Long Đường)
Hotline/Zalo: 0916286199 - 0929996199
Website: www.maiquocvinh.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha