Khái niệm về y võ khí công dưỡng sinh

Hướng dẫn bài tập thở như sau: “Thót bụng thở ra; Phình bụng thở vào; Hai vai bất động; Chân tay thả lỏng; Êm chậm sâu đều; Tập trung theo dõi; Luồng ra luồng vào; Bình thường qua mũi; Khi gấp qua mồm; Đứng ngồi hay nằm; Ở đâu cũng được; Lúc nào cũng được!

Khái niệm về y võ khí công dưỡng sinh

Y võ khí công dưỡng sinh là một trong những nội dung huấn luyện của Thiên Long Võ Đạo. Hầu hết các môn phái Võ thuật cổ truyền đông phương tự thân đều có dưỡng sinh. Dưỡng là nuôi, sinh là sự sống. Dưỡng sinh là một phạm trù rộng lớn liên quan đến Dịch học, Đạo học, Thiền học, Triết học, Y học , Võ học.
 
Y võ khí công dưỡng sinh đặc biệt chú trọng đến phương pháp thở. Các sách nghiên cứu về y sinh, võ thuật Đông phương của Việt Nam và nước ngoài đồng quan điểm trong võ thuật cổ truyền nhấn mạnh đến các yếu tố “tâm hợp ý”, “khí hợp lực”, khí cần trầm lặng, dùng khí đẩy lực, cho nên chức năng hô hấp có ảnh hưởng rất đặc biệt. Theo định nghĩa khoa học thì hô hấp là quá trình lấy oxy từ ngoài vào và thải khí carbonic từ trong ra của cơ thể sinh vật.
 
Hô hấp trong Y võ khí công dưỡng sinh theo sự biến hóa của các động tác mà thành, lúc nào hít vào (hấp), lúc nào thở ra (hô) đều có nguyên tắc. Ví dụ khi thực hiện các động tác gập thân thu lại, hoặc đưa mình lên, co tay về, đưa chân lên để đá ra thì hít vào. Khi thực hiện các động tác hạ mình xuống hoặc kết thúc động tác đá chân, đấm tay và các động tác khác đi đến dứt điểm đều thở ra và yêu cầu thở sâu, dài, nhẹ nhàng. Thở trong luyện tập võ thuật theo nguyên tắc “động hấp - tịnh hô”.
 
Lý luận y võ học cổ truyền nhận định thể chất và tinh thần là hai mặt Tâm - Vật của Khí, có tương quan với nhau. Khí công chính là công phu y võ có khả năng hợp nhất tâm thể để nuôi dưỡng sinh lực cho sự sống. Hô hấp có phương pháp sẽ nâng cao được lượng khí trao đổi làm tăng cường thể chất, gia tăng phế hoạt lượng của phổi và tiêu trừ sự ứ huyết trong cơ thể. Y học võ cổ truyền cho rằng thở bụng như một hài nhi là lối thở tự nhiên chưa bị tác động bởi cuộc sống, cách sống, ảnh hưởng tới lượng khí ra vào phổi. Đó là lối thở đúng nhất để hoà hợp với thiên nhiên. Thuật ngữ chuyên môn y võ gọi cách thở này là hiệp khí.
 
Mục đích của Y võ khí công dưỡng sinh là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những kiến thức dưỡng sinh sâu xa về thiên nhiên và con người trong Hoàng Đế Nội Kinh là hiểu biết qui luật thiên nhiên với những chu kỳ biến thiên cùng biến động bất thường tác động lên sự sống. Hiểu biết con người cả về tinh thần lẫn thể chất để điều hòa quân bình tránh không bị rơi vào tình trạng thái quá (hữu dư) cũng như không đủ (bất túc). Hiểu biết tương quan mật thiết giữa thiên nhiên và con người (thiên nhân tương ứng), cũng như những tác động của xã hội lên con người để tim ra phương pháp luyện tập, một lối sống hài hòa, một thái độ tinh thần thích đáng hầu có thể tránh được những tổn thương, thích nghi với môi trường, hoàn cảnh, đẩy lùi bệnh tật.

Sự cần thiết và tầm quan trọng của dưỡng sinh là “Tâm Dưỡng Sinh”, chính điều đó đã đưa dưỡng sinh lên thành “Đạo Dưỡng Sinh”. Y võ khí công dưỡng sinh vận động theo lý biến hóa của vũ trụ, thuận theo tự nhiên của trời đất, trong động có tĩnh, trong tĩnh có động, trong nhu có cương, trong cương có nhu, dụng ý bất dụng lực, vô trung sinh hữu. Các động tác của y võ khí công dưỡng sinh trông bề ngoài nhu nhuyễn nhưng bên trong chứa đựng một nội lực thâm hậu liên tục chuyển động như một đường tròn không có đầu mối.
 
Y võ khí công dưỡng sinh là phương pháp vận động toàn thân gíup cho các bộ phận trong cơ thể có dịp hoạt động đều, trong tập luyện lại kết hợp hô hấp với các động tác mang lại lợi ích cao cho tinh thần và thể chất.

+ Đề khí: (ngước lên thở). Ở trong tình huống này do động tác từ thấp ngẩng lên cao, dùng phương pháp đề khí, phương pháp này là hóp bụng, mở lồng ngực, cơ bả vai co lại. Thở sâu ngực, để cho khí chuyển từ dưới lên, khí tống đầy nâng trọng tâm cơ thể lên có lợi cho khí di chuyển để thực hiện các động tác bước ngang, nhảy, đá, như động tác song phi, quay đá gió, lộn trên không…

+ Trầm khí: Khi thực hiện động tác từ cao xuống thấp, dùng phương pháp trầm khí, phương pháp này là quá trình hô hấp thở bụng cổ điển, thông qua cơ hoành cách, vận động cơ hoành theo làn sóng, làm cho khoang bụng nhu động. Do đó động tác hơi thở có tiếng kêu. Khi thở trầm khí yêu cầu “trầm khí đan điền”, điều này làm cho ngực mở rộng, thành bụng chắc, hạ thấp trọng tâm cơ thể, đạt đến sự ổn định chắc chắn, khổ luyện cứng như đá. Những động tác thấp, chân bước trước sau, động tác ngồi toà sen, v.v… dễ làm phương pháp trầm khí.

+ Tụ khí: Khi làm động tác từ cao xuống thấp dùng phương pháp tụ khí, nghĩa là sau khi hít vào giữ khí, đồng thời các động tác tay dùng lực thở đẩy khí toàn thân, đó là hình thức dùng lực trong võ thuật. Chúng không những tăng lực, phát lực mà còn loại trừ được yếm khí xuất hiện, ảnh hưởng không tốt đến hệ tuần hoàn.

+ Thác khí: Khi thực hiện động tác tĩnh lực đứng hoặc ngồi cần dùng phương pháp thác khí là khi kết thúc thơ, kiên trì tiếp tục thở chậm, nhanh dần và “nín khí”, thác khí bằng động tác bụng trợ giúp, thác khí tập tư thế đẹp và cơ thể có thần, khoẻ mạnh, khí thế hùng dũng, khi thực hiện yêu cầu thân thể cân bằng yên tĩnh.

 Những hình thức thở trên biến hóa theo các động tác nhưng cần tôn trọng yêu cầu cơ bản “khí dễ trầm”, vận khí cần thuận tự nhiên. Thiền sư Huệ Minh nói rằng: “Phổi là nơi chứa khí. Khí là chúa của sức mạnh. Muốn nói đến sức mạnh phải biết khí"

Theo: Mai Quốc Vĩnh (St)
 

Liên hệ: Thầy Mai Quốc Vĩnh
Đông y sĩ - Đông dược sĩ - Khí công sư
(Thiên Long Đường)
Hotline/Zalo: 0916286199 - 0929996199
Website: www.maiquocvinh.com


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng